Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

tin mới nhất về áp thấp nhiệt đới ở tây nam bộ

Đề phòng áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào Tây Nam Bộ, tỉnh Bạc Liêu tạm đóng cửa 230 trường từ mầm non đến đại học trên địa bàn. TP HCM, Vũng Tàu cũng lên phương án đối phó nếu bão xảy ra.
>Áp thấp nhiệt đới vào Tây Nam Bộ

Ngày 15/11, tỉnh Bạc Liêu cho phép hơn 177.000 học sinh, sinh viên, trong đó có trên 25.000 cháu ở bậc học mẫu giáo, mầm non nghỉ học cho đến khi có thông báo mới về áp thấp nhiệt đới.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học là để đề phòng những tai nạn đáng tiếc trong trường hợp áp thấp có khả năng thành bão đổ bộ vào Bạc Liêu. Mặt khác nếu điều này xảy ra, các cơ sở giáo dục, các trường sẽ được sử dụng làm nơi trú bão cho người dân.
Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến chiều 15/11 vẫn còn 14 tàu với 129 thuyền viên hoạt động trên biển, nhưng 100% phương tiện đã giữ liên lạc và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm đến nới trú ẩn an toàn.
Áp thấp nhiệt đới đã vào đến vùng biển Vũng Tàu - Cà Mau, dự báo chiều mai áp thấp nhiệt đới sẽ vào đến Tây Nam Bộ và suy yếu thành một vùng áp thấp. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương.
Dù dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, áp thấp nhiệt đới không đổ bộ trực tiếp vào TP HCM nhưng UBND TP cũng phát công điện khẩn, yêu cầu các sở ngành sẵn sàng đối phó với áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, huyện đảo Cần Giờ phải có phương án di dời ngay khi thành phố có lệnh.
Chiều ngày 15/11, ông Trịnh Đăng Dũng - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng TP HCM cho biết, đã thông báo đến tất cả ngư dân, kể từ 0h ngày 15/11, toàn bộ ngư dân của thị trấn Cần Thạnh không được ra khơi, tàu thuyền đang đánh bắt phải khẩn trương vào bờ để tránh trú bão an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực này.
Theo ông Dũng, tại xã đảo Thạnh An, một đội tàu của Hải đội 2 gồm 7 cán bộ chiến sĩ đang trực chiến ở đây để nếu áp thấp nhiệt đới có đổ bộ vào sẽ di dời toàn bộ ngư dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất từ sáng sớm. Dự kiến tối 15/11 một tàu chở hàng hóa sẽ được điều động ra xã đảo Thạnh An làm nhiệm vụ cung ứng cho người dân. Hiện toàn bộ tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào neo đậu tại bến Cầu Đò an toàn, người dân cũng chằng chống nhà cửa xong trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.
Tàu bè tại vùng biển Cần Giờ đã được neo đậu vào bờ để tránh ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới theo yêu cầu của UBND TP HCM. Ảnh: H.C
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hơn 1.800 tàu đánh bắt hải sản và 12.000 ngư dân vào neo đậu tại các bến, bãi trên địa bàn tỉnh để tránh áp thấp nhiệt đới. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc được với gần 3.200 tàu và hơn 22.000 ngư dân còn đang hành nghề trên biển thông báo vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp phòng tránh. Đơn vị này cũng chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng bố trí cán bộ, chiến sĩ chốt trực tại các cảng bến để hướng dẫn, sắp xếp vị trí neo đậu; đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn để bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ tại các cảng bến có đông ghe tàu neo đậu.
Trong khi đó, theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, 16h chiều 15/11, áp thấp nhiệt đới đã vào đến vùng biển Vũng Tàu - Cà Mau với sức gió mạnh nhất đạt 49 km/h. Tối và khuya nay áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây và tây bắc với tốc độ khoảng 5-10 km/h và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến chiều 16/11, tâm áp thấp sẽ vào đến đất liền ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, sức gió giảm.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (gồm các đảo Phú Quý và Côn Đảo) có mưa dông mạnh, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau từ sáng nay gió giật mạnh. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa lớn và dông lốc.
Hướng về phía biển Trần Đề, mây đen kéo đến xám xịt. Ảnh: Thiên Phước
Hướng về phía biển Trần Đề (Sóc Trăng), mây đen kéo đến xám xịt. Ảnh: Thiên Phước
Trao đổi với VnExpress, ông Dương Quốc Việt, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng cho biết, áp thấp nhiệt đới đang tiến vào bờ nên các địa phương ven biển tất bật sơ tán dân vào nơi an toàn. Trong đó, huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu có hơn 1.600 dân được sơ tán, huyện Trần Đề 800 người và thị xã Vĩnh Châu khoảng 500 người, chủ yếu là người già, trẻ em.
Chiều cùng ngày, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnhphát đi thông báo để các trường cho học sinh nghỉ. Sáng 16/11 nếu áp thấp nhiệt đới suy yếu, không mạnh lên thành bão thì học sinh đến lớp trở lại.
Đối với tàu đánh bắt ngoài khơi, Sóc Trăng có 109 chiếc gần Côn Đảo nhận lệnh tìm nơi trú ẩn. Những phương tiện đánh bắt gần bờ đã vào hết trong đất liền, neo đậu gần cửa biển Trần Đề và Mỏ Ó.